Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho những người còn nhiều khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao, Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án NOXH trên địa bàn.
Những kết quả đáng ghi nhận
Toàn tỉnh hiện có 20 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80% tổng diện tích. Tỉnh hiện đã thu hút gần 1.300 dự án đầu tư, bao gồm hơn 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7,8 tỷ USD từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ; gần 830 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 130 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương là nhiệm vụ luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ; ban hành chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời, báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai chính sách nhà ở cho công nhân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án này đã đầu tư xây dựng hoàn thành hơn 1.600 căn nhà dành cho công nhân và người thu nhập thấp.
4 dự án khác đã được quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến xây dựng hơn 2.600 căn hộ chung cư và nhà liền kề cho công nhân, cụ thể là Dự án Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town tại thị trấn Bá Hiến (Bình Xuyên).
Dự án Khu NOXH tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên); Dự án khu nhà ở xã hội cao tầng cho công nhân tại khu vực Gốc Nụ, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) và Dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông, xã Thiện kế (Bình Xuyên).
Cùng với đó, tỉnh đã có chủ trương đồng ý triển khai 22 khu vực dự kiến đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và rà soát bổ sung 6 vị trí đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại xã Yên Đồng (Yên Lạc); xã Vân Xuân (Vĩnh Tường); thị trấn Đạo Đức và thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên); xã Hoàng Đan (Tam Dương).
Sau khi bổ sung, tổng số khu vực triển khai nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gồm 28 vị trí, tổng diện tích gần 220 ha nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở phục vụ công nhân, người lao động thu nhập thấp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Vĩnh Phúc được giao chỉ tiêu đầu tư xây dựng 28.300 căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025, tổng số căn nhà phải triển khai là 8.800 căn; còn lại 19.500 căn sẽ được triển khai ở giai đoạn 2026-2030. Để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, huyện thành phố, các chủ đầu tư triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc lập Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt.
Lập kế hoạch triển khai cụ thể cho các dự án nhà ở xã hội, phần dự án nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới, khu nhà ở theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NOXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư, cân đối bố trí ngân sách của tỉnh để khuyến khích, ưu đãi thêm, góp phần kêu gọi, động viên các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Tỉnh quy hoạch, bố trí các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đẩy mạnh hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển NOXH, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất NOXH tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…