Trong các dự án Việt Nam đang đề xuất vay vốn từ WB, có 3 dự án đường sắt khổ lớn 1,435m. Đáng chú ý, đường TP. HCM – Cần Thơ dài 175,2km, khổ 1.435m có vốn đầu tư hơn 154.000 tỷ đồng.
Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam xây đường sắt cao tốc
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định, các dự án đường sắt, đường bộ cao tốc mà Bộ GTVT đề xuất rất cần thiết vì có tính kết nối cao, ý nghĩa không chỉ với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam mà với khu vực. Do vậy, WB có thể tham gia đáng kể vào các dự án này.
Trước đó, tại cuộc họp vào tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị với Chủ tịch WB Ajay Banga, trong 3 năm tới, WB cho Việt Nam vay 5 – 7 tỷ USD đầu tư các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Cụ thể, về đường sắt có 3 dự án xây mới gồm: Đường sắt vành đai phía Đông TP. Hà Nội, dài 59km, đường đôi, khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm, giai đoạn 1 đầu tư đường đơn với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay khoảng 560 triệu USD.
Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, dài 140km, đường đôi, khổ 1.435m, tổng mức đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3 tỷ USD, vốn vay dự kiến gần 3 tỷ USD;
Đường sắt TP. HCM – Cần Thơ dài 175,2km, đường đôi, khổ 1.435m; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn khoảng 154.000 tỷ đồng, vốn vay dự kiến khoảng 5,07 tỷ USD.
Cả ba dự án này đều đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-Fs), dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024.
Lĩnh vực đường bộ có 2 dự án gồm cao tốc Pleiku – Quy Nhơn dài 151km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 35.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 44.000 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh, vốn vay dự kiến 1,45 tỷ USD; cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo dài 70km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 14.500 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh, vốn vay dự kiến khoảng 480 triệu USD.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dự án đường sắt, trong đó, đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Ngày 3/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1143/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ nhận trách nhiệm trưởng ban.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án có tầm chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Đề án đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ ngành với 2 phương án:
Phương án 1: Xây dựng đường sắt Bắc – Nam với đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác 320km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.
Phương án 2: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.
Nguồn: baomoi.com