Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu với hệ thống đô thị hiện đại tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo; trong đó, các bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử của Kiên Giang được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra vào chiều ngày 24/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Họi nghị. Ảnh: Đức Trung/MPI |
Thiếu trục ven theo hành lang biển phục vụ phát triển kinh tế biển theo định hướng của tỉnh
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Với bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay.
Tỉnh Kiên Giang là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Thời kỳ 2011-2020, kinh tế Kiên Giang tăng trưởng ổn định và quy mô kinh tế ở mức khá so với cả nước và vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tỉnh cũng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kiên Giang có xu hướng tăng đều qua các năm. GRDP (theo giá hiện hành) tăng từ 34.318 tỷ đồng vào năm 2010 lên 96.818 tỷ đồng vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR- theo giá so sánh) trong thời kỳ 2011-2020 đạt 7,2%/năm. Với quy mô kinh tế năm 2020, Kiên Giang đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (sau Long An và Tiền Giang), chiếm 9,9% GRDP toàn vùng. Mức tăng trưởng khả quan vào năm 2020 cho thấy kinh tế Kiên Giang vẫn tăng trưởng ổn định trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp những điểm nghẽn.
Một là, về cơ sở hạ tầng. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ liên huyện, tỉnh, vùng còn hạn chế. Cụ thể, thiếu kết nối từ Rạch Giá đến Hà Tiên sang Campuchia; thiếu trục ven theo hành lang biển phục vụ phát triển kinh tế biển theo định hướng của tỉnh. Ngoài ra, các cầu trên tuyến đường tỉnh và đường huyện chủ yếu có tải trọng từ 5-8 tấn.
Bên cạnh đó, kinh phí duy tu bảo trì hàng năm bố trí chưa đủ, khiến cho tình trạng đường xuống cấp nhanh. Vì vậy, giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyện hàng hóa của địa phương, làm hạn chế khả năng khai thác cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Giao thông đường thuỷ nội địa vẫn dựa trên điều kiện tự nhiên là chính. Tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình giáo dục, y tế, thiết chế văn hoá – thể thao còn thấp.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển tại một số khu vực trọng điểm như: Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải chưa được đầu tư đúng tầm với tiềm lực phát triển kinh tế biển của tỉnh. Khả năng kết nối giữa giao thông thủy và giao thông bộ chưa phát huy được hiệu quả của mạng lưới liên hoàn thủy bộ; liên kết ngành trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, phát triển kinh tế biển, du lịch, cụm và khu công nghiệp và hợp tác quốc tế… Hạ tầng giao thông vận tải hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của tỉnh, đặc biệt là vận tải hàng hóa chưa thể hình thành trung tâm logistics tương xứng với tiềm lực của tỉnh.
Thứ nữa, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có xu hướng giảm trong thời kỳ 2017-2020. Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài FDI cũng có xu hướng giảm trong thời kỳ này. Như vậy, điểm nghẽn ở đây là Kiên Giang chưa thu hút được đầu tư, kể cả trong nước và quốc tế.
Thứ ba, về nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động phân theo giới tính và khu vực của tỉnh đang có sự mất cân bằng. Kiên Giang là tỉnh có nguồn lao động dồi dào với dân số lớn (1,7 triệu người, đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL) và lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 53%. Năm 2020, lao động nam gấp rưỡi số lao động nữ, và lao động thành thị chưa bằng một nửa số lao động ở nông thôn. Một vấn đề khác của nguồn lực lao động tỉnh là thiếu nhân lực trình độ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề này có khả năng dẫn đến khó khăn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và tạo ra sự kém hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng là nơi có tỷ lệ di cư thuần cao trong khu vực, chủ yếu là dân cư trong độ tuổi lao động. Điều này khiến tỉnh mất đi một số lượng lao động lớn mỗi năm.
Thứ tư, về môi trường kinh doanh. Trong thời kỳ 2011-2020, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh Kiên Giang giảm liên tục, phản ánh sự đánh giá, tín nhiệm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với môi trường kinh doanh và hệ thống chính quyền Kiên Giang chưa cao.
Thứ trưởng chỉ rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh, vì thế Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi. Ảnh: Đức Trung/MPI |
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi
Thứ trưởng chỉ rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh, vì thế Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi. Bởi, hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua, 4 quy hoạch ngành giao thông quốc gia đã được phê duyệt và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt, nhiều quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong đang trình thẩm định hoặc đang trình phê duyệt.
“Đối với quy hoạch tỉnh, đến thời điểm hiện tại: 05 tỉnh đã được phê duyệt (Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thái Nguyên). 24 tỉnh đã thẩm định xong, đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn 10 tỉnh đang tổ chức thẩm định”, Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đây sẽ là công cụ quan trọng để Tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Nhận thức được ý nghĩa to lớn của quy hoạch, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Hồ sơ quy hoạch để báo cáo Hội đồng thẩm định tại phiên họp thẩm định ngày hôm nay đã được Cơ quan lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia và ý kiến tham gia tại phiên họp tham vấn kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch”, Thứ trưởng cho biết.
Theo kinhtevadubao.vn