Hàng loạt tuyến cao tốc Đăk Lắk – Nha Trang, Đắk Lắk – Phú Yên… đã và đang được quy hoạch, triển khai các bước đầu tư, tạo đòn bẩy phát triển BĐS.
Mới đây, trả lời ý kiến cử tri, Bộ GTVT nhấn mạnh, tuyến cao tốc nối Phú Yên lên Tây Nguyên được bổ sung quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tuyến cao tốc này dài 220km nối từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên qua TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và kết thúc tại cửa khẩu Đắk Ruê, với quy mô từ 2- 4 làn xe (tùy đoạn tuyến, giai đoạn).
Cao tốc cùng các công trình giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư, góp phần nâng tầm hạ tầng giao thông kết nối nơi thủ phủ Tây Nguyên
Đắk Lắk – nơi hội tụ các dự án cao tốc
Bộ GTVT đánh giá, tuyến đường bộ cao tốc nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên được xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.
Đặc biệt, công trình trên kỳ vọng tạo bước đột phá hạ tầng giao thông kết nối, động lực phát triển kinh tế – xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư. Từ Đắk Lắk dễ dàng kết nối cảng biển loại II – cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp, đầu mối địa phương), cảng hàng không Tuy Hòa với cảng hàng không Buôn Ma thuột và cửa khẩu quốc tế Đắk Ruê (Việt Nam – Campuchia)…
Đáng kể việc bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk này được xem như “mảnh ghép cuối cùng” của bức tranh cao tốc đã và đang được quy hoạch, triển khai các bước đầu tư, với tâm điểm đổ về Buôn Ma Thuột.
Trước đó, tuyến cao tốc Đắk Lắk – Nha Trang (Khánh Hòa được các địa phương kiến nghị triển khai, với chiều dài 105 km, quy mô bốn làn xe sẽ nối từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Nha Trang (Khánh Hòa), dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng.
Các trục đường lớn thênh thang vào Buôn Ma Thuột và khu đô thị mới, đẳng cấp
Ngoài ra, tuyến cao tốc Đà Lạt – Liên Khương (Lâm Đồng) – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tạo đà kết nối 2 trung tâm vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, góp phần phát triển cả vùng Tây Nguyên về kinh tế, du lịch. Khi hoàn thành, du khách sẽ rút ngắn được thời gian và quãng đường từ Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Đắk Lắk và ngược lại.
Cùng với đó, việc đầu tư, nâng cấp hàng loạt tuyến đường huyết mạch, trọng yếu trên địa bàn thời gian qua, đã và đang tạo diện mạo mới, hạ tầng giao thông khởi sắc cho Đắk Lắk và các địa phương khu vực. Đáng kể, tuyến QL1 dọc miền trung, tuyến Quốc lộ 29, Quốc lộ 25, Quốc lộ 26 kết nối lên Tây Nguyên, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh tạo thành hệ thống mạng lưới giao thông liên khu vực giúp thuận tiện giao thông, giao thương tạo bệ phóng phát triển và vận chuyển xuất nhập hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi.
Giao thông kết nối, BĐS thăng hoa
Những tuyến cao tốc trên không chỉ mở rộng trục kết nối lưu thông tốc độ cao cho thủ phủ Tây Nguyên ra các hướng liên vùng, mà còn góp phần “đánh thức” hàng loạt tiềm năng, thế mạnh của dải đất Tây Nguyên trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, và hình hài các khu đô thị, dân cư hiện đại, đẳng cấp…
Theo các chuyên gia đánh giá, các tuyến cao tốc không chỉ là đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế toàn vùng và còn làm “bật tăng” giá trị bất động sản tại khu vực mà cao tốc đó chạy qua. Tuy nhiên, không phải tất cả dự án đều đón đầu lợi thế này. Những khu đô thị đảm bảo quy hoạch, vị trí vàng, kết nối lưu thông liên hoàn… đã và đang tạo hấp lực thu hút người dân an cư, khách hàng đầu tư sinh lời.
Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó, Đắk Lắk có vị trí nằm ở trung tâm vùng và được coi là vị trí chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên
Theo baogiaothong.vn