Trong 20 năm qua, Cần Thơ đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực đô thị. Nhiều dự án, công trình mới được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo đô thị Cần Thơ. Để trở thành đầu tàu, động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang nỗ lực từng bước nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một đô thị sinh thái, thông minh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.
Thành tựu nổi bật
Thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị triển khai từng bước đồng bộ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của thành phố, góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại I trực thuộc Trung ương; chất lượng hạ tầng đô thị tăng, hệ thống đô thị phát triển dần trở thành động lực và góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, đến năm 2023 tỷ lệ đô thị hóa của thành phố ước đạt 74%…
Sau 20 năm, đô thị Cần Thơ đã có được những bước phát triển mạnh mẽ.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch đô thị trên địa bàn, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Thành phố cũng đã lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn các quận và điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung thị trấn; thường xuyên rà soát các đồ án quy hoạch không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng; ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP Cần Thơ. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thành phố luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương, triển khai các kế hoạch thực hiện cụ thể và từng bước lồng ghép các tiêu chí, chỉ tiêu hướng đến đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Diện mạo đô thị thành phố đang từng bước thay đổi với nhiều điểm tích cực, nhất là khu vực Bến Ninh Kiều cùng với cầu đi bộ, được đầu tư để trở thành không gian công cộng chất lượng, phục vụ hoạt động cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội. Thành phố đã hoàn thành một số công trình trọng điểm như nâng cấp các tuyến đường trong đô thị các quận trung tâm, đầu tư xây dựng cầu Quang Trung đơn nguyên 2, đường tỉnh 922… góp phần giảm thiểu ùn tắc, tăng hiệu quả kết nối giao thông trong đô thị.
Song song đó, thành phố cũng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kiểm soát và điều tiết chống ngập, cải thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu đô thị mới. Thành phố đang triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) với các công trình quan trọng như cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều (32 tuyến đường), xây dựng kè sông Cần Thơ; xây dựng bờ kè cho rạch Cái Sơn – Mương Khai; tuyến đường nối Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918, xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền kết hợp với cống ngăn triều (rạch Cái Sơn và Cái Khế), 9 cống ngăn triều trên tuyến hành lang kiểm soát ngập…
Các dự án nâng cấp đô thị do Ngân hàng thế giới tài trợ (Dự án 2, Dự án 3) cũng bước đầu phát huy hiệu quả, phục hồi chức năng dẫn nước cho hệ thống kênh rạch. Riêng Dự án 3 còn tiến thêm một bước là xây dựng nền tảng mang tính chất chiến lược cho thành phố trong ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án 3 có một số công trình nâng cấp, xây dựng mới các cầu, tuyến đường đóng vai trò lớn trong liên kết các khu vực đô thị, mở rộng không gian đô thị thành phố (trong đó công trình lớn cầu Trần Hoàng Na kết nối Cái Răng với Ninh Kiều); ngoài ra nền tảng quy hoạch không gian (SPP) và hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) tuy chiếm một phần nhỏ về kinh phí nhưng đóng vai trò nền tảng quan trọng cho thành phố về lâu dài. Có các công cụ này, thành phố sẽ đảm bảo được tính hiệu quả trong vận hành, đầu tư phát triển đô thị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết cùng với sự phát triển đi lên của toàn thành phố, quận Ninh Kiều đã đạt được một số kết quả nổi bật như tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn quận giai đoạn 2020-2022 đạt 47.026 tỉ đồng, ước năm 2023 đạt 18.000 tỉ đồng, đạt chỉ tiêu tăng bình quân mà thành phố giao. Giai đoạn 2020-2023, nguồn vốn xây dựng cơ bản được bố trí từ 270-330 tỉ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thường xuyên được duy tu, sửa chữa, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác. Quận hiện có 116 tuyến đường và 642 tuyến hẻm. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã đưa vào kế hoạch các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng 36 công trình giao thông; kết nối giao thông thuận lợi với các hạ tầng khác như sân bay Cần Thơ, các cụm cảng, khu công nghiệp… Ðến nay, quận đã có trên 200 tuyến hẻm được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng tỷ lệ tuyến hẻm được bê tông, trải nhựa đạt trên 92,5%…
Kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới
Cầu Quang Trung thuộc Dự án 3, đang đóng vai trò lớn trong liên kết các khu vực đô thị, mở rộng không gian đô thị TP Cần Thơ.
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Định hướng phát triển đô thị của TP Cần Thơ đã được xác định tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ gắn liền với bản sắc sông nước sinh thái trong bối cảnh quản trị đô thị thông minh, phát triển bền vững. Đô thị Cần Thơ phát triển dựa trên nền tảng phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở từng thời kỳ. Bản sắc sông nước được phát huy giá trị một cách tối đa trong đời sống và đưa giá trị mới song song với khai thác hợp lý tài sản vô giá này. Nhìn rộng ra, việc phát triển đô thị TP Cần Thơ gắn bó hữu cơ với sự vận hành của hệ thống đô thị vùng ĐBSCL, liên kết với vùng TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Theo ông Mai Như Toàn, nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển, TP Cần Thơ đã thực sự có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Về kỳ vọng và tiêu chuẩn phát triển đô thị của TP Cần Thơ thời gian tới có thể tóm gọn là “Phát triển nhanh, đúng hướng và để lại nền tảng vững chắc cho các thế hệ kế tiếp”. Để có thể đạt được kỳ vọng này, cần xác định còn rất nhiều việc phải làm và mức độ khó sẽ tăng dần theo thời gian. Trong đó, ngành xây dựng tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao. Đảm bảo hoạt động xây dựng và đầu tư liên quan đến xây dựng vừa tuân thủ pháp luật, vừa đúng định hướng phát triển thành phố.
Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2023, định hướng phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế… Tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Nguồn: baocantho.com.vn