Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 90km cao tốc hoàn thành, 30km đang xây dựng. Trong giai đoạn 2021 – 2025 khu vực này sẽ có thêm khoảng 400km cao tốc được đầu tư.
Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra sáng 21/6 tại TP. Cần Thơ.
Theo Bộ trưởng Thể, hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn khiến cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá.
Ví dụ, cả khu vực này hiện chỉ mới có khoảng 90km đường cao tốc hoàn thành, 30km khác đang đầu tư xây dựng.
Để tháo gỡ nút thắt hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long, trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm.
Trong đó, sẽ xây dựng thêm khoảng 400km cao tốc gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau, Cao Lãnh – Rạch Giá…
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện Quốc hội đã thống nhất bố trí khoảng 86.000 tỉ đồng vốn ngân sách để tập trung phát triển mạng lưới cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Bên cạnh cao tốc, nhiều dự án sân bay trong khu vực cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp. Cụ thể, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay gồm sân bay Phú Quốc, sân bay Cà Mau và Rạch Giá.
Về đường thủy, hiện nay TP. Cần Thơ và một số cảng trong khu vực đã đón được tàu 10.000 tấn. Trong khi đó, dự án cảng nước sâu Trần Đề được bổ sung khi hoàn thành có thể đón tàu từ 80.000 – 100.000 tấn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020:
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…
Trong kỳ họp mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 44.000 tỉ đồng.
Dự án cao tốc này có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 tại khoảng Km123+757 thuộc xã Vĩnh Tế, Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối đoạn tuyến tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc Dự án là 188,2 km, trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh An Giang 56,74 km; thành phố Cần Thơ 37,72 km; tỉnh Hậu Giang 37,02km và tỉnh Sóc Trăng 56,67 km.
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, mặt cắt ngang 32,25 m (6 làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,75 m, chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn trong 2,25 m, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp 6 m và chiều rộng lề đất 1,5 m). Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo cafeland