Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang thu hút các nhà đầu tư khi những dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai mạnh mẽ…
“Điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tháo gỡ, mở ra hàng loạt cơ hội mới về kinh tế, bất động sản cho khu vực này.
PHÙ HỢP ĐÔ THỊ NÔNG NGHIỆP
Đánh giá tiềm năng của bất động sản Tây Nam Bộ, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2023: Quản trị dòng tiền – Đầu tư hiệu quả” diễn ra ngày 10/9/2023 tại tỉnh Vĩnh Long, khu vực Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, cần có các đô thị nông nghiệp, bất động sản gắn với hệ sinh thái nông nghiệp.
Theo ông Đặng Hùng Võ, cần tạo cấu trúc đô thị nông nghiệp gắn với du lịch theo triết lý xanh và thông minh. Những đặc trưng nông nghiệp là điểm thu hút cư dân các nơi, kể cả nước ngoài tới sinh sống và lập nghiệp, từ đó có lợi thế về chất lượng cư dân, lao động. Cần quan tâm tới quy hoạch vùng đã được phê duyệt.
Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang trở thành điểm thu hút nhà đầu tư cả nước khi những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông đang được triển khai mạnh mẽ và hoàn thành trong thời gian gần. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, Tây Nam Bộ đã khởi công 2 tuyến cao tốc trục ngang: An Giang – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng và tuyến Cao Lãnh – An Hữu, với tổng chiều dài hơn 215km, tổng vốn đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng. Theo đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng trưởng trong tương lai.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền nam của PropertyGuru Việt Nam, cho rằng đối với thị trường bất động sản Tây Nam Bộ, thị trường nhà phố tại Hậu Giang và An Giang có mức độ tăng trưởng ổn định kể cả trong giai đoạn khó khăn. Thị trường đất nền có mức độ quan tâm và giá bán bắt đầu phục hồi.
TIỀM NĂNG “TRỖI DẬY” TỪ CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG
Năm 2023 được xem là động lực phát triển kinh tế – xã hội mới của vùng kinh tế Tây Nam Bộ khi những dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các dự án về đích năm 2023 tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm: cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2; tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau; dự án nâng cấp luồng cho tàu lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2). Riêng đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đoạn Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau sẽ về đích năm 2025.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23km được xem là gạch nối quan trọng của tuyến cao tốc hơn 120km từ TP.HCM đến Cần Thơ. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ chia tải rất lớn cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ, thay vì gần 4 tiếng như hiện nay.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) chiều dài gần 20km, đã về đích cuối tháng 6 vừa qua.
Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau cũng đang được nhà thầu đẩy nhanh thi công để đưa vào khai thác trong quý 3/2023. Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới.
Ngoài ra, dự án kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực TP.HCM. Khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải đường thủy khi phương tiện thủy có trọng tải lớn từ 2.000 – 3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi qua kênh.
Về hàng hải, dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) cũng sẽ hoàn thành trong năm 2023, đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 teu/năm. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hải hơn nữa cho vùng kinh tế Tây Nam Bộ.
Đối với các dự án cao tốc mới triển khai ngày 01/01/2023 như: cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, có chiều dài gần 111km, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết theo kế hoạch, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (gồm cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau) đến tháng 5/2024 phải hoàn thành toàn bộ đắp nền để chờ lún, nếu không thì dự án không thể hoàn thành vào năm 2025.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đến nay, tất cả 6 gói thầu xây lắp của dự án đã được khởi công, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Trong khi đó, những dự án được khởi công từ tháng 6/2023 như: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cao Lãnh – An Hữu cũng đang được chủ đầu tư là các địa phương đẩy nhanh thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.
Những dự án giao thông trọng điểm sắp được đưa vào khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp cho sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo động lực phát triển mới cho các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Nguồn: vneconomy.vn