Với định hướng trở thành thành phố động lực kinh tế của khu vực, TP. Cần Thơ đang tập trung nguồn lực phát triển đô thị bài bản, đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng, đây là điều kiện để thị trường bất động sản (BĐS) “nổi sóng” trong thời gian tới.
Hạ tầng kích hoạt thị trường bất động sản
Trong những năm gần đây nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối thông suốt Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và cả nước được đầu tư. Cụ thể như cầu Cần Thơ, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Cần Thơ cùng với các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 61B…
Đặc biệt trong Tết Nhâm Dần này tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh sẽ thông xe đến Mỹ Thuận, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ và ngược lại. Cùng với đó là tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng sắp được khởi công hoàn thành trước năm 2030; tuyến đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ cũng đã được đưa vào quy hoạch đầu tư.
Cần Thơ là đô thị duy nhất tại khu vực ĐBSCL được thụ hưởng đến 3 dự án nâng cấp đô thị vay vốn ODA với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn phân bổ đầu tư công hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau TP. Cần Thơ đang tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong đó có thị trường BĐS.
Giao dịch vẫn ổn trong mùa COVID
Tại Cần Thơ, thị trường BĐS sau thời gian trầm lắng vì dịch COVID-19, nay đã tái khởi động trở lại. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý gần trung tâm thành phố, gần lộ lớn có giá bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19 – 30 triệu đồng/m2, mức giá này tăng khoảng 7 – 10% trong vòng 2 năm qua.
Theo số liệu của Sở Tư pháp dựa trên nguồn tổng hợp của các văn phòng công chứng trên địa bàn, trong quý IV-2021, số giao dịch BÐS phát sinh về đất nền là 2.160 nền; 519 giao dịch nhà ở riêng lẻ; 81 giao dịch căn hộ chung cư; giao dịch về mặt bằng cho thuê: 3.393m2; giao dịch về mặt bằng thương mại, dịch vụ 10.520m2. Lũy kế lượng giao dịch BÐS phát sinh trong cả năm 2021 về đất nền hơn 6.000 nền; giao dịch về nhà ở riêng lẻ 1.228 căn; 221 căn hộ chung cư. Ngoài ra còn hơn 200 giao dịch về cho thuê mặt bằng thương mại, dịch vụ.
Theo ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ, theo quy luật, khi các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh đã đô thị hoá quá mức thì xu hướng lan tỏa về các tỉnh, thành vùng ven là tất yếu. Bên cạnh đó “đường đi tới đâu, đất tăng theo tới đó” chính vì vậy càng nhiều cao tốc mở ra tại ĐBSCL thì giá trị BĐS sẽ tăng theo, dư địa tăng giá lớn chính là “hấp lực” thu hút nhà đầu tư đến với Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
“Nếu so sánh giá đất đô thị tại Cần Thơ và 2 thành phố tương đồng là Hải Phòng, Đà Nẵng thì giá đất tại Cần Thơ chưa bằng một nửa. Cụ thể, nếu đất tại trung tâm TP. Hải Phòng và Đà Nẵng cao nhất lên đến 500 triệu đồng/m2 thì tại Cần Thơ chỉ 200 triệu đồng/m2. Đất đô thị biên, rìa trung tâm Hải Phòng, Đà Nẵng đã lên đến hàng trăm triệu đồng/m2 thì ở Cần Thơ giá đất biên thuộc quận Cái Răng, Bình Thủy dao động chỉ từ 25-40 triệu đồng/m2. Cần Thơ không có hiện tượng sốt đất ảo, giao dịch rất ổn định, dư địa tăng giá còn lớn, đây là nét hấp dẫn của BĐS Cần Thơ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Thủy nhận định.