Đã được bàn giao mặt bằng hơn 97% nhưng dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát.
Ngày 20/2, thông tin từ UBND tỉnh Hậu Giang, dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã bàn giao mặt bằng hơn 97% diện tích.
Vị trí thi công cầu vượt quốc lộ 61C
Cụ thể, đến nay ngành chức năng có liên quan đã chi trả và bàn giao mặt bằng 1.100 hộ dân, còn 50 trường hợp chưa bàn giao.
Tỉnh cũng đã triển khai các thủ tục đầu tư hai khu tái định cư có tổng diện tích hơn 10ha, kinh phí khoảng 220 tỷ đồng với khoảng 567 nền. Dự kiến trong quý I/2024 sẽ bàn giao nền cho bà con bị ảnh hưởng bởi dự án.
Về tình hình thực hiện, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đối với gói thầu xây lắp số 1, nhà thầu đã triển khai 20 mũi, thi công các hạng mục đào đất hữu cơ, đường công vụ và các cầu trên tuyến gồm cầu vượt quốc lộ 61C, Đông Pháp, KH9, Xà No, Nàng Mau 2, cầu Thới An. Khối lượng thực hiện khoảng 100 tỷ đồng.
Riêng gói thầu xây lắp số 2, nhà thầu đang thi công cầu Nàng Mau, hạng mục đường công vụ. Đồng thời tập kết thiết bị thi công, tập kết cọc thử vào cầu Hòa Mỹ, Lái Hiếu, Hậu Giang 3.
UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá, việc triển khai dự án đang bám sát theo các mốc thời gian trong kế hoạch. Tuy nhiên, công tác triển khai các thủ tục để khai thác cát của nhà thầu còn chậm, nhiều vướng mắc.
Theo địa phương này thông tin, tỉnh An Giang đã có quyết định phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Từ đó, An Giang sẽ hỗ trợ khoảng 3,75 triệu m3 cát cho dự án. Nhà thầu đã hoàn thiện các thủ tục. UBND tỉnh đang xem xét để cấp khu vực đăng ký khai thác.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có công văn đề nghị Vĩnh Long xem xét cho phép nhà thầu mua cát thương mại trực tiếp tại mỏ vàm Vũng Liêm 5 với khối lượng 0,3 triệu m3. Địa phương này đã có văn bản đồng ý nhưng việc khai thác đang gặp khó khăn vì mỏ cát bị bồi lắng lâu ngày dẫn đến nhiều bùn, chưa thể khai thác bằng phương pháp xáng cạp.
Với nhu cầu cần khoảng 7 triệu m3 cung cấp cho dự án, Hậu Giang kiến nghị An Giang và Đồng Tháp xem xét rà soát hỗ trợ mỏ hoặc chỉ định cho dự án được mua cát trực tiếp từ các mỏ đang khai thác trên địa bàn với tổng trữ lượng khoảng 2,5 triệu m3.
Nguồn baogiaothong.vn