Đầu tư hạ tầng tiếp sức cho thị trường bất động sản Cần Thơ phục hồi và tăng trưởng

Đầu tư hạ tầng tiếp sức cho thị trường bất động sản Cần Thơ phục hồi và tăng trưởng

Để phát huy vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã và đang tập trung huy động và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông. Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại. Những động thái tích cực này đã và đang góp phần gia tăng sức hút của thành phố trong mắt các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm then chốt được thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện. Các dự án giao thông quan trọng của thành phố đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ các nguồn vốn trung ương hỗ trợ và vốn thành phố quản lý, đưa công trình vào khai thác sử dụng trong giai đoạn năm 2021-2025 có thể kể đến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C); đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang; đường tỉnh 917; đường tỉnh 918; đường tỉnh 921; đường tỉnh 923, cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô, cầu Kênh Ngang; đường Hẻm 91 (đoạn Long Tuyền đến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ), cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm. UBND thành phố cũng giao các sở, ngành chủ động phối hợp, đẩy nhanh lộ trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm kết nối nội vùng và liên vùng như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau, các tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ gắn với phối hợp để xuất việc triển khai tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ và Cà Mau.

Các công trình giao thông quan trọng được thành phố triển khai trong giai đoạn 2021-2025 mang ý nghĩa đi trước, mở đường cho phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các nguồn lực đầu tư từ tư nhân. Một trong những dự án trọng điểm được phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự án Đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C được UBND thành phố phê duyệt tháng 11-2021 với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỉ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 19,3km, đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền. Điểm đầu của đường Vành đai phía Tây giao quốc lộ 91 (Km20+370, gần cầu Ô Môn) và giao đường tỉnh 922, điểm cuối giao quốc lộ 61c (Km1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m; trong đó phần mặt đường 11m, vận tốc thiết kế từ 50-60 km/giờ. Đối với dự án quan trọng này, Sở Giao thông Vận tải thành phố cùng các sở, ngành liên quan đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục đầu tư trong thời gian sớm nhất, phấn đấu đến cuối tháng 6, đầu tháng 7-2022 sẽ tiến hành khởi công dự án Đường vành đai phía Tây. Dự án có 7 gói thầu, bao gồm 6 gói thầu xây lắp và một gói thầu điện chiếu sáng, trong đó, gói thầu có giá trị cao nhất là công trình cầu Ba Láng bắc qua sông Cần Thơ với mức đầu tư hơn 520 tỉ đồng và đây cũng là gói thầu dự kiến sẽ được khởi công đầu tiên của dự án Đường vành đai phía Tây. Các dự án giao thông trong danh mục đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt cũng được thành phố quan tâm theo dõi, đôn đốc thường xuyên để các dự án triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Bên cạnh các công trình góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho thành phố, các dự án mang ý nghĩa kết nối liên vùng cũng hứa hẹn đưa Cần Thơ nâng tầm vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Trong đó có dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang trong giai đoạn thi công khẩn trương, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2022. Với quyết tâm tạo bứt phá trên lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, thành phố cũng giao cho các sở, ban, ngành hữu quan, UBND các quận, huyện chú trọng bám sát danh mục dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng (đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, đường hàng không và đường sắt) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh lộ trình triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng do Trung ương thực hiện và các dự án sử dụng và ngân sách địa phương nhằm kết nối nội vùng và liên vùng.

Mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã họp làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ đi qua địa phận TP Cần Thơ. Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố đã đề nghị tư vấn thuyết minh thêm về sự cần thiết đầu tư của dự án cần nêu rõ TP Cần Thơ là một đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ là rất cần thiết, cần sớm triển khai đầu tư xây dựng trước năm 2030 để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường sắt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển TP Cần Thơ theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực ĐBSCL, kết nối với TP Hồ Chí Minh và đi các khu vực khác trên cả nước.

theo cantho online